VinFast sẽ sạc điện thế nào trong hành trình Việt Nam sang Trung Quốc?
Trong chuyến hành trình Việt Nam đến Tây Tạng, đoàn 4 chiếc VF 8 dùng hạ tầng trạm sạc có sẵn ở địa phương, nhưng vẫn gặp trục trặc khi trả phí sạc.
Trước chuyến đi, đoàn chinh phục hành trình gồm các thành viên Hội VF 8 miền Bắc đã nghiên cứu kỹ hạ tầng trạm sạc, trạm dừng nghỉ... tại Trung Quốc, đồng thời lên lộ trình di chuyển, tham quan để phù hợp với nhu cầu sạc pin.
Để sạc cho những chiếc xe điện VinFast trên hành trình, mỗi chiếc xe được chủ nhân trang bị bộ chuyển đổi (adapter), bởi cổng sạc của chiếc VF 8 theo chuẩn CCS2 của châu Âu, còn các trạm sạc tại Trung Quốc sử dụng cổng theo chuẩn GB/T. Các chủ xe cho biết, bộ adapter này trị giá khoảng 30 triệu đồng, đặt mua từ Trung Quốc.
Trong suốt chuyến đi, khoảng cách giữa các trạm sạc tại Trung Quốc khoảng 60-70 km, thường đặt tại các cây xăng, siêu thị, trung tâm thương mại... Việc di chuyển của cả đoàn cũng bám theo lộ trình được tính toán từ trước, nên không gặp vấn đề phát sinh liên quan đến việc sạc pin. Có những ngày, đoàn đạt hiệu suất di chuyển khoảng 350 – 400 km sau một lần sạc đầy, tuy nhiên có những cung đường khó, tốc độ trung bình chỉ 30 km/h, hiệu suất di chuyển chỉ đạt 270 – 300 km sau mỗi lần sạc pin.
"Đoàn không gặp vấn đề gì khi sạc pin cho những chiếc VF 8 ở các trụ sạc công cộng tại Trung Quốc. Các trụ sạc của Sinopec tại đây thường có công suất 180 kW với 2 súng sạc, công suất ghi nhận ở mỗi xe tầm 80 kW", ông Chu Hữu Thọ, trưởng đoàn VF 8 miền Bắc nói. "Với các trạm sạc có nhiều xe cùng sử dụng, công suất ghi nhận có thể từ 20 đến 30 kW, tương tự các trạm sạc tại Việt Nam".
Tuy nhiên, các thành viên trong đoàn cho biết, những ngày đầu sạc xe tại Trung Quốc, việc thanh toán chi phí sạc khá bất tiện. "Việc quét mã thanh toán chỉ dành cho những người có số điện thoại ở Trung Quốc, đăng ký tài khoản Alipay kết nối với Wechat. Khi sạc 4 chiếc xe, chúng tôi phải nhờ đến 4 người dân tại địa phương hỗ trợ", ông Thọ nói. "Tuy nhiên, việc thanh toán đã dễ dàng hơn trong những ngày tiếp theo, dù vẫn phải nhờ người dân địa phương hỗ trợ".
Sáng 15/10, đoàn VF 8 miền Bắc đã di chuyển qua hàng loạt địa danh nổi tiếng của Trung Quốc như: Thành cổ Đại Lý, Tam Tháp xây dựng từ thời nhà Đường, phố cổ Lệ Giang, Shangri-la... Khoảng một tuần từ khi xuất phát, đoàn 4 chiếc VinFast VF 8 trong hành trình Việt Nam – Tây Tạng chính thức đặt chân đến cao nguyên có độ cao lớn nhất thế giới.
Thời tiết khi bước vào cao nguyên Tây Tạng có sự thay đổi rõ rệt ở độ cao 4.500 m so với mực nước biển, nhiệt độ tại nhiều nơi xuống dưới -2 độ C. "Toàn bộ 4 chiếc VinFast VF 8 trong đoàn không gặp trở ngại khi thời tiết lạnh sâu, chiếc xe vẫn di chuyển bình thường trong điều kiện địa hình phức tạp", ông Thọ chia sẻ sáng 14/10, sau một tuần từ khi xuất phát ở Việt Nam.
Theo lịch trình của đoàn VF 8 miền Bắc, ngày 15/10 đoàn sẽ di chuyển qua quãng đường hơn 400 km, leo đèo 72 tầng với điều kiện đường sá khó khăn nhất từ khi khởi hành chuyến đi.
Để chuẩn bị cho chuyến đi này, các thành viên trong đoàn đã lên kế hoạch trong nhiều tháng và chọn thời điểm phù hợp để xuất phát. Trước đó, một số thành viên trong đoàn từng trải nghiệm xuyên Việt, xuyên Đông Dương với những chiếc xe điện VinFast.
Theo kế hoạch, nhóm người dùng dự kiến chinh phục hành trình Việt Nam - Tây Tạng trong khoảng 30 ngày, di chuyển hoàn toàn bằng đường bộ với 4 chiếc xe thuần điện. Trong số 4 mẫu xe, có 2 chiếc VF 8 phiên bản Eco và 2 chiếc bản Plus. Tất cả đều sử dụng pin SDI, tầm di chuyển tối đa khoảng 400 km sau mỗi lần sạc đầy.
(Nguồn: https://vnexpress.net/xe-dien-vinfast-sac-pin-the-nao-tai-trung-quoc-4801503.html)
tin liên quan
xe mới về
-
Honda City 1.5 AT 2014
295 triệu
-
Ford Territory Titanium X 1.5 AT 2023
820 triệu
-
Hyundai i30 CW 1.6 AT 2009
245 triệu
-
Toyota Yaris 1.5G 2018
468 triệu
-
Kia Morning X-Line 2023
390 triệu
-
Mazda 3 1.5L Sport Luxury 2022
590 triệu